Khai thác Năng lượng ở Việt Nam

Năng lượng hóa thạch

Than

Tính đến 1/1/2005 tổng trữ lượng than đã tìm kiếm thăm dò khoảng 6,14 tỷ tấn. Mỗi chu kỳ kế hoạch 5 năm tổng sản lượng khai thác than tăng khoảng 1-5 triệu tấn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước[2].

Khả năng khai thác và chế biến than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chỉ đáp ứng được 40-50% nhu cầu than cho sản xuất điện, thực chất sản lượng than sẽ chỉ đủ cung cấp cho khoảng 12.000MW, nghĩa là sản xuất được không quá 72 tỉ kWh mỗi năm, kể cả đến những năm 2025-2030, do đó cho thấy Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia nhập khẩu than trong giai đoạn sau 2020.[3]

Dầu khí

Tổng trữ lượng dầu khí có thể đưa vào khai thác ở nước ta khoảng 3,8-4,2 tỷ tấn quy đổi (TOE), trong đó trữ lượng đã được xác định khoảng 60% (1,05 - 1,14 TOE).

Khả năng khai thác dầu thô so với năm 2010 dự báo đến năm 2020 sẽ sụt giảm, còn 16-17 triệu tấn/năm.

Đối với khí đốt, khả năng khai thác sẽ tăng, giai đoạn 2011-2015 sẽ đạt mức từ 10,7 tỷ m3 lên 19 tỷ m3 [2].

Khai thác than là ngành công nghiệp lâu đời và quan trọng của Việt Nam.

Thủy điện

Bài chi tiết: Thủy điện Việt Nam

Theo đánh giá của các nghiên cứu gần đây, tiềm năng về kinh tế-kỹ thuật thủy điện của nước ta đạt khoảng 75000-85840 triệu tỷ kWh với công suất tương ứng đạt 18000-20000MW. Trong đó tiềm năng kinh tế của 10 lưu vực sông chính khoảng 85,9% của các lưu vực sông trong cả nước. Như vậy tổng trữ lượng kinh tế kỹ thuật của các lưu vực sông chính hơn 18.000MW, cho phép sản lượng điện năng tương ứng khoảng 70 tỷ kWh. Theo dự báo kế hoạch phát triển thủy điện trong tổng sơ đồ điện VII đến năm 2020, toàn bộ trữ lượng tiềm năng kinh tế-kỹ thuật của thủy điện lớn sẽ được khai thác hết, như vậy năng lượng thủy điện từ các dòng sông chính sẽ không còn khả năng khai thác nữa.

Đối với năng lượng thủy điện nhỏ, với mức công suất nhỏ hơn hoặc bằng 30MW, theo đánh giá tiềm năng có khoảng hơn 1.000 điểm có thể khai thác và cho tổng công suất khoảng 7.000MW. Thực tế đã có 114 dự án với tổng công suất khoảng 850 MW đã cơ bản hoàn thành, 228 dự án với công suất trên 2600 MW đang xây dựng và 700 dự án đang giai đoạn nghiên cứu. Ngoài ra các dự án thủy điện cực nhỏ công suất dưới 100 kW phù hợp với vùng sâu, vùng xa, những nơi có địa hình hiểm trở có thể tự cung tự cấp theo lưới điện nhỏ và hộ gia đình cũng đã và đang được khai thác.[2]

Năng lượng tái tạo

Tính đến cuối năm 2013, nguồn năng lượng tái tạo đã và đang được khai thác cho sản xuất điện chiếm tỷ lệ 6,3% tổng nguồn điện toàn hệ thống với trong hệ thống với tổng công suất lắp đặt khoảng 3.990MW. Trong đó, chủ yếu là thuỷ điện nhỏ chiếm khoảng 3.770MW, điện gió 52MW, điện sinh khối 150MW, năng lượng tái tạo khá khác là 18 MW.[4]

Năng lượng mặt trời

Với vị trí địa lý của Việt Nam nằm trong giới hạn giữa xích đạo và chí tuyến Bắc, thuộc vùng nội chí tuyến có ánh nắng mặt trời chiếu sáng quanh năm, nhất là khu vực Nam Bộ. Với tổng số giờ nắng trong năm dao động trong khoảng 1.400-3.000 giờ, tổng lượng bức xạ trung bình năm vào khoảng 230-250 lcal/cm2/ngày tăng dần từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên hiện nay việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng này còn hạn chế. Trong tương lai khi mà khai thác các nguồn năng lượng khác đã đến mức tới hạn thì nguồn năng lượng mặt trời là một tiềm năng lớn.[2]

Năng lượng gió

Nằm trong khu vực cận nhiệt đới gió mùa với bờ biển dài, Việt Nam có một thuận lợi cơ bản để phát triển năng lượng gió. So sánh tốc độ gió trung bình trong vùng biển Đông Việt Nam và các vùng biển lân cận cho thấy gió tại biển Đông khá mạnh và thay đổi nhiều theo mùa. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng gió lớn với tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360 MW tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La, và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Tất nhiên, để chuyển từ tiềm năng lý thuyết thành tiềm năng có thể khai thác, đến tiềm năng kỹ thuật, và cuối cùng, thành tiềm năng kinh tế là cả một câu chuyện dài; nhưng điều đó không ngăn cản việc chúng ta xem xét một cách thấu đáo tiềm năng to lớn về năng lượng gió ở Việt Nam.[5]

Năng lượng địa nhiệt

Khai thác năng lượng địa nhiệt có hiệu quả về kinh tế, có khả năng thực hiện và thân thiện với môi trường, nhưng trước đây bị giới hạn về mặt địa lý đối với các khu vực gần các ranh giới kiến tạo mảng. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật gần đây đã từng bước mở rộng phạm vi và quy mô của các tài nguyên tiềm năng này, đặc biệt là các ứng dụng trực tiếp như dùng để sưởi trong các hộ gia đình. Các giếng địa nhiệt có khuynh hướng giải phóng khí thải nhà kính bị giữ dưới sâu trong lòng đất, nhưng sự phát thải này thấp hơn nhiều so với phát thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch thông thường. Công nghệ này có khả năng giúp giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu nếu nó được triển khai rộng rãi.

Mặc dù nguồn địa nhiệt chưa được điều tra và tính toán kỹ. Tuy nhiên, với số liệu điều tra và đánh giá gần đây nhất cho thấy tiềm năng điện địa nhiệt ở Việt Nam có thể khai thác đến trên 300MW. Khu vực có khả năng khai thác hiệu quả là miền Trung.

Khó khăn

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức trong phát triển năng lượng tái tạo. Trong đó đáng kể như: giá thành phát điện cao; thiếu nguồn vốn dài hạn và cơ chế tài chính phù hợp; khung chính sách phát triển còn hạn chế khi chưa có Luật Năng lượng tái tạo, Nghị định năng lượng tái tạo; cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo chưa khuyến khích các nhà đầu tư tham gia; lưới điện truyền tải để nối các nguồn năng lượng tái tạo phát triển chậm; phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật và chuyên gia nước ngoài; thiết bị phải nhập khẩu; không có quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng tái tạo; thiếu cơ cơ sở dữ liệu tin cậy về nguồn tiềm năng năng lượng tái tạo...

Theo đánh giá của các chuyên gia, có nhiều lý do chủ quan và khách quan dẫn tới thách thức kể trên trong phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, nhưng chủ yếu là Việt Nam thiếu các chính sách đủ mạnh, đồng bộ bao gồm điều tra, thăm dò tiềm năng đến khai thác và sử dụng; thiếu cơ chế tài chính hiệu quả cho việc đầu tư, quản lý và vận hành các dự án năng lượng tái tạo tại các khu vực khác nhau của đất nước, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa ngoài lưới; thiếu một cơ quan đầu mối tập trung, với chức năng đủ mạnh để điều hành.[4]

Năng lượng hạt nhân

Ngày 25/11/2009, chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6. Theo dự kiến, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 khởi công tháng 12/2014, vận hành thương mại tổ máy số 1 vào năm 2020, tổ máy số 2 vào năm 2021. Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 sẽ khởi công vào tháng 5/2015, vận hành tổ máy số 1/2021 và tổ máy số 2/2022.

Ngày 18/8/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1558/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” và công văn số 460/TTg-KTN ngày 18/3/2010 về kế hoạch tổng thể thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện dự án đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Với tổng kinh phí thực hiện 3.000 tỷ đồng, đến năm 2020 chương trình sẽ đào tạo được nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để phục vụ quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đảm bảo khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, quản lý nhà máy điện hạt nhân, tiến tới từng bước nội địa hóa, tự chủ về công nghệ.

Ngày 31/10/2010, hiệp định liên Chính phủ giữa Liên bang Nga và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã được ký kết.[6]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Năng lượng ở Việt Nam http://tailieu.tapchithoidai.org/Nuclear_Power_in_... http://akhpc.vn/d4/news/Nhung-buoc-ngoat-lich-su-c... http://cms.evn.com.vn/Portals/0/userfiles/tcdl/BCT... http://www.evn.com.vn http://icon.com.vn http://icon.com.vn/vn-s83-119368-633/An-ninh-nang-... http://nld.com.vn/khoa-hoc/bao-dong-can-kiet-nguon... http://review.siu.edu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/dien-h... http://isponre.gov.vn/home/dien-dan/984-ngun-tai-n... http://nangluongvietnam.vn